Truyền Hình Văn Hóa - Trang thông tin văn hóa, giải trí, ngôi sao, đời sống, showbiz Việt

Hôm nay (16-6), tại đại lộ Lê Lợi (quận 1, TP.HCM), lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town chính thức khai hội. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2023.
Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town diễn ra ở đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong ba ngày hội, đến hết ngày 18-6, người dân sẽ được trải nghiệm mô hình một xã hội thu nhỏ với hàng loạt các dịch vụ từ công nghệ tài chính, dịch vụ công, ăn uống, mua sắm... hoàn toàn không dùng tiền mặt.
Không còn lo đếm tiền lẻ mỗi ngày

Vừa bày biện xong các sản phẩm lên kệ vào trưa 15-7, gian hàng của Công ty CP thực phẩm Bình Tây đã đón ngay khách "mở hàng" là nữ du khách Serena (Anh) đến mua 1kg chôm chôm với giá 20.000 đồng. Sau khi nhận túi trái cây, nữ du khách đã chìa ra chiếc thẻ Visa và "quẹt" xong số tiền mua chôm chôm kèm theo nụ cười tươi.

Không chỉ trang bị máy cà thẻ, công ty này còn dán thêm mã thanh toán QR của hai ngân hàng kèm các số tài khoản để khách thanh toán không tiền mặt.

Bên cạnh hàng chục đặc sản do công ty sản xuất như phở, hủ tiếu, mì chay, bún tươi..., doanh nghiệp này còn về tận Bến Tre mang lên 400kg chôm chôm bày biện trên một con đò nhỏ đặt trước gian hàng để hút du khách. Doanh nghiệp này cũng giảm 10% cho tất cả các mặt hàng mang đến lễ hội.

Bà Đào Thị Thoại Châu, phụ trách gian hàng Công ty Bình Tây, cho biết đã nhiều năm doanh nghiệp này tham gia các lễ hội, song đây là lễ hội rất đặc biệt bởi toàn bộ khách hàng sẽ không trả bằng tiền mặt.

Theo bà Châu, thông thường trước khi tham gia các lễ hội, doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng triệu đồng tiền lẻ từ 1.000 - 5.000 đồng để thối cho khách. Các nhân viên sẽ hai lần kiểm đếm tiền vào buổi trưa và buổi tối, mỗi một lần kiểm đếm mất đến 30 phút.

Nhưng với phương thức thanh toán không tiền mặt, doanh nghiệp chỉ cần nhìn qua số tài khoản vào buổi sáng, đến tối chốt lại tiền cộng vào là xong.

"Trả tiền online tiện đủ đường, bán bao nhiêu là đã "ting ting" vào tài khoản rồi, không lo nhầm lẫn, rơi rớt hay mất công kiểm đếm nữa", bà Châu nói.

Tương tự, ông Đặng Nhất Tâm, giám đốc Công ty Đặng Kim Thành - đơn vị đến từ An Giang, cho biết thường xuyên tham gia các lễ hội ẩm thực nên không còn lạ gì với thanh toán không tiền mặt, nhưng đây là lần đầu tiên mà tất cả khách mua hàng đều thanh toán không tiền mặt.

"Lúc đầu mình cũng chưa biết dùng mã QR này đâu, nhưng mấy năm nay các con làm ở ngân hàng mở cho một mã QR, sử dụng nhiều rồi cũng quen", ông Tâm kể.

Theo ông Tâm, do thường xuyên làm bánh, phải đeo găng tay nên rất khó để cầm tiền lẻ thối cho khách lại thêm mất vệ sinh.

Nhưng với hình thức thanh toán mới này, chỉ cần nghe điện thoại báo là biết khách đã trả tiền bánh rất tiện lợi. "Cứ 100% khách không dùng tiền lẻ là đỡ phải mất công đếm tiền, đêm về chỉ cần coi tài khoản là ngả lưng ngủ được ngay, nhẹ nhõm người", ông Tâm nói.
Không sợ quên ví tiền khi ra khỏi nhà

Lễ hội không tiền mặt - Cashless Town tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không gian ẩm thực trong khuôn khổ lễ hội là nơi thu hút đông đảo du khách. Ngay trong ngày đầu khởi động trước thềm lễ hội, đã có hàng ngàn lượt khách đến trải nghiệm, nhất là vào khung giờ trưa và tối.

Thưởng thức xong món bún cá Sóc Trăng của gian hàng Phi Long, nhóm bốn bạn trẻ là nhân viên văn phòng tấm tắc khen rất hợp vị. Sau khi ăn xong, chị Nguyễn Thu Thủy lôi chiếc điện thoại ra quét mã QR của tiệm đặt trên bàn để thanh toán.

Chỉ khoảng năm giây, chị Thủy đã hoàn tất việc trả tiền cho bốn tô bún và chủ quán Âu Thị Thúy Nhỏ cũng đã nhận được tiền.

Là nhân viên văn phòng ở quận 1, chị Thủy cho biết các buổi trưa đều đến các tiệm cơm quanh tòa cao ốc Saigon Centre ăn và quét mã QR thanh toán. Sau đó cả nhóm sẽ chuyển khoản để trả lại tiền thay vì phải cầm tiền lẻ gởi lại cho người trả.

"Cuộc sống của mình đã gần như 70 - 80% là thanh toán không tiền mặt rồi nên biết được lễ hội này mình xuống trải nghiệm ngay.

Cả nhóm chẳng ai mang tiền cả, chỉ cầm chiếc điện thoại là an tâm", chị Thủy nói. Sau đó cả nhóm lượn một vòng lễ hội và mua nước uống, đồ ăn vặt, trái cây mang lên văn phòng nhưng cũng chẳng chìa ra một tờ... tiền nào.

Anh Nguyễn Hoàng Quân (nhân viên công ty bán lẻ tại quận 1) cũng cho biết thấy xôm tụ nên rủ các bạn xuống phố trải nghiệm, không ngờ là có một lễ hội khuyến khích thanh toán không tiền mặt.

Do lễ hội chưa bắt đầu nên anh Quân và nhóm bạn chỉ mới trải nghiệm ăn uống và trả tiền qua ví điện tử. "Đến khi khai hội, tôi nhất định sẽ tiếp tục đến để mở thêm thẻ tín dụng bởi có nhiều khuyến mãi lớn", anh Quân khẳng định.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Châu, chủ tiệm ăn vặt Hồng Anh, cho biết giờ rất rảnh tay khi khách đến đều không dùng tiền mặt, bà cũng không còn kè kè túi tiền trên tay để thối cho khách.

Theo bà Châu, bình thường giới trẻ là gần như 100% chuyển khoản hoặc ví điện tử, chỉ còn những khách hàng hơi luống tuổi mới trả bằng tiền mặt. "Nhưng với lễ hội này, ai cũng trả online cả nên khỏi phải lo chuẩn bị tiền lẻ", bà Châu nói.

Hôm qua 15-6, các gian hàng của các ngân hàng thi công những công đoạn cuối cùng chuẩn bị lễ hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Nhiều chương trình khuyến mãi "sập sàn"

Đối diện sân khấu chính là khu vực giới thiệu các công nghệ mới của hàng loạt các ngân hàng, ví điện tử, doanh nghiệp Fintech... Trong các ngày diễn ra lễ hội, các doanh nghiệp sẽ tung ra hàng loạt khuyến mãi, quà tặng kèm trải nghiệm các dịch vụ thanh toán hiện đại của mình.

Trong đó, không chỉ quảng bá dịch vụ, JCB còn muốn quảng bá văn hóa Nhật khi mang đến chục bộ đồ Yukata truyền thống của Nhật Bản để các bạn trẻ trẩy hội có thể khoác vào và check-in.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kazuma Shukuin, trưởng đại diện JCB tại Việt Nam, cho biết nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, JCB đã lên ý tưởng về một góc nhỏ Nhật Bản để quý khách hàng có thể tham quan, check-in tại cây quốc hoa Nhật Bản - hoa anh đào, trải nghiệm trang phục truyền thống của Nhật và nhận những phần quà Nhật xinh xắn như mèo may mắn Maneki Neko, móc khóa JCB.

Đại diện Ngân hàng SHB cho biết ngân hàng này sẽ tặng hàng ngàn phần quà cho khách hàng mở tài khoản, gửi tiết kiệm online, tham gia các trò chơi tại gian hàng trong khuôn khổ lễ hội, như heo đất, quạt cầm tay mini, bình nước thủy tinh, áo mưa, dù, áo phông, vali... Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng sẽ tặng hàng ngàn phần quà tại lễ hội như bình nước, mũ, áo...

Theo đại diện ví điện tử MoMo, khách hàng đến trải nghiệm tại xe cà phê của MoMo sẽ được uống cà phê, quét mã thanh toán không tiền mặt chỉ với 1.000 đồng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết ngân hàng này mang đến các sản phẩm tài chính điện tử thông minh cùng ưu đãi giá trị dành cho giới trẻ hiện đại. Khách hàng trải nghiệm mở thẻ 100% online cùng ACB UrBox Visa, nhận ngay quà tặng lên đến 1 triệu đồng.

Ngân hàng BIDV cũng có nhiều hoạt động khuyến mãi cho khách hàng với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng.

Tương tự Visa tung khuyến mãi tại lễ hội như bán kem "siêu deal" với giá 16.600 đồng/phần, giảm giá 50% nếu thanh toán với Google pay hay có cơ hội bốc thăm trúng thưởng và có cơ hội nhận quả banh có chữ ký của nữ cầu thủ Huỳnh Như...

Xuyên suốt ba ngày lễ hội, Saigon Co.op sẽ có các chương trình hấp dẫn, khách hàng sẽ nhận ngay nhiều phần quà giá trị như voucher mua hàng, quà từ các nhà sản xuất. Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết mang đến lễ hội hàng trăm sản phẩm với nhiều chương trình khuyến mãi "sập sàn"...